Quân khu 2 – Rộn ràng trống hội làng Xoan

QK2 – Tìm về Phú Thọ – nơi miền Đất Tổ vào những ngày tháng Ba âm lịch này, chúng ta được chứng kiến sự hội tụ của những sắc màu văn hóa truyền thống, với âm vang của tiếng trống hội làng Xoan lan tỏa khắp các phường, xã vùng trung du Bắc Bộ. Lễ hội Đền Hùng – sự kiện lớn nhất trong năm của vùng Đất Tổ – trở thành điểm hẹn không chỉ của người dân địa phương mà còn thu hút hàng vạn du khách về đây để hòa mình vào dòng chảy văn hóa cội nguồn.

Rộn vang nhịp phách Di sản vùng Đất Tổ

Tìm về thành phố Việt Trì – thành phố của Lễ hội nơi cội nguồn dân tộc, từ xa, chúng tôi đã nghe rõ tiếng ngân vang của trống hội làng Xoan, mạnh mẽ và rộn vang, như đánh thức tiềm thức văn hóa của mỗi người dân Đất Tổ. Những nhịp trống không chỉ là tín hiệu của các màn biểu diễn hát Xoan mà còn là lời mời gọi đến với nét đẹp di sản. Tại các làng cổ như Kim Đức, Phượng Lâu và Hùng Lô, những nghệ nhân hát Xoan không quản ngại thời gian, công sức để luyện tập, giữ gìn từng lời ca, điệu hát.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Xuân Hội, Trùm phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức, TP. Việt Trì (Phú Thọ), chia sẻ: “Tiếng trống hội không chỉ đánh lên nhịp điệu mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn công đức Tổ tiên. Mỗi lần biểu diễn hát Xoan, tôi đều cảm thấy như đang kể lại một câu chuyện của lịch sử tới mọi người dân và du khách gần xa”.

Các nghệ nhân làng cổ Hùng Lô trình diễn Hát Xoan phục vụ nhân dân và du khách.

Được biết, hát Xoan, là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Phú Thọ, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Những bài hát Xoan với nội dung ca ngợi các Vua Hùng, thiên nhiên và cuộc sống lao động không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà còn là lời nhắc nhở về nguồn cội dân tộc suốt mấy nghìn năm. Bên cạnh việc biểu diễn, các câu lạc bộ hát Xoan địa phương cũng tổ chức các lớp học, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Em Nguyễn Phương Linh, một học sinh tham gia hát Xoan tại phường Xoan xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì, phấn khởi bộc bạch: “Tham gia học hát Xoan không chỉ giúp em hiểu về văn hóa truyền thống mà còn tạo nên niềm tự hào là người con Đất Tổ”.

Đối với nhiều du khách, lần đầu tiên được nghe hát Xoan tại vùng đất Phú Thọ là một trải nghiệm khó quên, đầy mới mẻ và sâu lắng. Chị Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh, xúc động chia sẻ: “Khi những câu hát Xoan vang lên, tôi cảm giác như được dẫn lối về miền quá khứ xa xưa của dân tộc, nơi mỗi lời ca đều chứa đựng tinh thần hào khí của tổ tiên. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là sự uyển chuyển trong từng giai điệu, vừa trầm vừa bổng, như một bản giao hưởng của đất và người nơi đây”.

Không chỉ là âm nhạc, hát Xoan còn mang đến cho du khách một không gian văn hóa độc đáo với những tiếng trống, nhịp phách hòa quyện cùng lời hát. Anh Vũ Minh Quân, du khách đến từ Bạc Liêu, chia sẻ cảm nhận: “Đây không chỉ là một buổi biểu diễn, mà là cơ hội để tôi hiểu thêm về nguồn cội dân tộc và lòng tự hào của người dân nơi đây”.

Lan toả không khí lễ hội đa sắc màu

Hằng năm, đến hẹn lại lên, Lễ hội Đền Hùng không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội dân gian sôi động, như: Dâng hương thờ cúng các vị Vua Hùng; thi gói bánh chưng, bánh dày tái hiện truyền thuyết Lang Liêu; những trò chơi kéo co, đẩy gậy, hay những buổi triển lãm văn hóa mà còn là nơi hội tụ hát Xoan mang đạm nét văn hoá cội nguồn.

Tại đình An Thái, nơi thường diễn ra các buổi biểu diễn hát Xoan, không khí lễ hội náo nhiệt hơn bao giờ hết. Du khách thập phương đến đây không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn để tìm hiểu sâu hơn về vùng đất nguồn cội. Chị Nguyễn Minh Nguyệt, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Đến Phú Thọ trong dịp này, tôi cảm thấy như được hòa mình vào một phần lịch sử và văn hóa dân tộc”.

Hát Xoan không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian mà còn là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là niềm tự hào sâu sắc trong lòng mỗi người dân Phú Thọ. Cô Trần Huyền Thu, một người dân sống gần đình làng Phượng Lâu, chia sẻ: “Mỗi dịp lễ hội, được nghe hát Xoan là tôi thấy trong lòng bồi hồi, như được trở về với cội nguồn văn hóa ông cha để lại”.

Những điệu Xoan ngân vang, hào sảng đã được các du khách quốc tế hào hứng đón nhận và tham gia trải nghiệm tại đình cổ Hùng Lô. Ảnh: HOAN NGUYỄN

Đối với các nghệ nhân cao tuổi, hát Xoan không đơn thuần chỉ là nghề, là sự yêu thích mà đó là cả một đời tâm huyết, một sứ mệnh giữ gìn và truyền lại tinh hoa. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường Xoan gốc ở xã Phượng Lâu (TP. Việt Trì), tâm sự: “Hát Xoan là hồn cốt của làng, của Đất Tổ. Dù khó khăn thế nào, tôi vẫn cố gắng dạy cho con cháu từng câu hát, từng điệu nhịp, để chúng hiểu và yêu văn hóa của địa phương mình”. Cũng theo bà Lịch: Phường Xoan gốc do bà phụ trách hiện có 117 thành viên, bao gồm 5 thế hệ (người lớn tuổi nhất là trên 90 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 6 tuổi); phường Xoan thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách, nhất là vào mỗi dịp lễ hội.

Với nhiều du khách, hát Xoan không chỉ là một di sản văn hóa mà còn là một niềm đam mê mãnh liệt, kéo họ trở về Phú Thọ mỗi dịp lễ hội. Anh Đặng Quốc Khánh, một giáo viên yêu thích văn hóa dân tộc, chia sẻ: “Đây đã là lần thứ ba tôi về Phú Thọ không chỉ là đi lễ hội mà còn để được nghe lại những làn điệu Xoan. Cảm giác mỗi lần nghe lại khác nhau, nhưng đều có điểm chung là xúc động, gần gũi, như được trò chuyện với tổ tiên qua từng lời ca, nhịp phách”.

Những cảm nhận ấy, dù lần đầu hay đã nhiều lần trải nghiệm, đều thắp sáng tình yêu và sự trân trọng dành cho giá trị văn hóa của hát Xoan – một di sản sống của vùng Đất Tổ. Đây chính là động lực để di sản hát Xoan tiếp tục sống mãi, không chỉ ở vùng Đất Tổ mà còn lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, chia sẻ trong niềm tự hào: “Hát Xoan không chỉ là một di sản văn hóa, mà còn là trái tim và linh hồn của vùng Đất Tổ. Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị này, để những làn điệu Xoan không chỉ vang vọng ở Phú Thọ mà còn chạm tới trái tim mọi người trên khắp thế giới”. Ông Thuỷ nhấn mạnh: “Để làm được điều này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền địa phương, và các tổ chức quốc tế. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các không gian biểu diễn, mở rộng chương trình giáo dục hát Xoan trong trường học, và phát động các hoạt động quảng bá rộng rãi hơn. Mong rằng, mỗi người dân không chỉ xem hát Xoan là nét truyền thống, mà còn là niềm tự hào, là tài sản để truyền lại cho con cháu mai sau”.

Tương lai của hát Xoan không chỉ nằm trong những lời ca, nhịp phách mà còn phụ thuộc vào tình yêu và quyết tâm của cả cộng đồng. Di sản này, với sự gìn giữ trọn vẹn, xứng đáng là viên ngọc quý lan tỏa, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Bài, ảnh: VŨ VIẾT DƯƠNG