Quân khu 2 – LLVT Quân khu chung sức xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Tây Bắc

Kỳ 3: Hướng về cơ sở, vùng núi, biên giới

QK2 – Hà Giang, mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn mà còn có nhiều địa danh ghi dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Nơi đây vừa là chiến trường, vừa là căn cứ địa vững chắc trong những năm kháng chiến, với những cung đường hiểm trở, bản làng heo hút ẩn mình giữa núi rừng trùng điệp, chở che cho các phong trào cách mạng. Người dân Hà Giang đa số là dân tộc ít người, nhưng có bản chất cần cù, dũng cảm và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng với Tổ quốc. Tuy nhiên, cuộc sống và nơi ở của bà con còn rất khó khăn, nhiều người vẫn phải ở trong nhà tạm, dột nát.

Một ngày cuối tháng 12 năm 2024, sau khi vượt qua hơn 200 cây số đường đèo, liên tục cua tay áo, chúng tôi đã đến được trung tâm xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Định hồ hởi đón chúng tôi và giới thiệu: Xã Yên Định có 12 thôn, 814 hộ với hơn 4 nghìn nhân khẩu, người dân chủ yếu là các dân tộc Dao, Tày, Mông, Pu Chéo. Ngành nghề chủ yếu là vườn, làm ruộng và lâm nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 29%, hộ cận nghèo chiếm 28,36%. Thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ và của tỉnh phát động, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban.

Cán bộ địa phương động viên gia đình anh Hoàng Văn Thủy, xã Yên Định xây nhà đảm bảo chất lượng để sử dụng lâu dài.

Chúng tôi làm việc gần như không có ngày nghỉ, luôn bám sát cơ sở, từng hộ dân, đôn đốc tổ chức rà soát số hộ hiện đang ở nhà tạm, dột nát có nhu cầu xây, sửa nhà mới. Qua rà soát toàn xã có 64 nhà, trong đó đã quyết định hỗ trợ 19 nhà, mỗi nhà 60 triệu đồng, đã khởi công xây dựng và hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Còn lại 10 nhà đã khởi công xây dựng vào đầu năm 2025, phấn đấu sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Về mẫu mã nhà được người dân và địa phương thống nhất theo mẫu nhà sàn của người Tày, tùy theo khả năng tài chính của từng gia đình, nhưng nguyên vật liệu thì toàn bộ làm bằng xi măng, sắt thép, lợp tôn hoặc tấm lợp Fibro xi măng, người dân không được chặt phá rừng làm nguyên vật liệu xây dựng. Khi các nhà khởi công xây dựng, cán bộ địa phương nắm tình hình kết quả hằng ngày, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ để người dân xây dựng nhanh nhất, đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian. Mỗi cán bộ địa phương luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy nỗi niềm mong mỏi, sự cấp bách cần nhà ở đến nhường nào – Ông Dũng cho biết thêm.

Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm các gia đình được nhận hỗ trợ xây nhà đã khởi công xây dựng, ông Trần Chí Dũng trải lòng thêm: Người dân quê nơi đây rất cần cù, chịu khó làm ăn, có lối sống văn minh, đoàn kết, thương yêu nhau; hủ tục lạc hậu không còn nhiều, bà con rất biết chắt chịu dành dụm nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chỉ thấp đứng thứ 2 toàn huyện, sau thị trấn Yên Phú. Do đó số hộ có nhà tạm, nhà dột nát không nhiều. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương này bà con rất vui mừng phấn khởi, mong từng ngày để được xã thông báo, triển khai thực hiện. Xã tổ chức họp từng khu dân cư, để các gia đình có nhà tạm, nhà dột nát đăng ký, cam kết trước bà con, sau đó chính quyền xã thẩm định, chụp ảnh, ghi hình nhà cũ để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ. Việc cấp tiền hỗ trợ cho gia đình cũng chia làm 2 hoặc 3 đợt, tránh tình trạng gia đình “hứa suông”, không thực hiện đúng như cam kết, sử dụng số tiền hỗ trợ xây nhà của Nhà nước vào việc khác, dẫn đến không thành công việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm này không chỉ giúp ảm bảo an sinh xã hội mà còn tạo ra bức tranh mới cho làng quê.

 Thăm gia đình anh Hoàng Văn Thủy, dân tộc Tày, thôn Nà Xá, xã Yên Định, sau hơn một tháng thi công ngôi nhà rộng chừng 110m² đã đổ xong cột bê tông  sàn 1, đang đổ cột sàn 2. Anh Hoàng Văn Thủy chia sẻ, nhà tôi có 5 nhân khẩu, trước đây ở trong ngôi nhà vừa chật chội, vừa dột nát, nhất là khi trời mưa kéo dài thì dột khắp nơi cho dù tôi đã che chắn và sợ nhất là lúc gió bão cứ như chờ sập bất cứ lúc nào. Nay được Đảng, Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình tôi chắt chiu dành dụm và được sự hỗ trợ của anh em trong gia đình có 100 triệu đồng nữa để tập trung xây nhà mới. Đây là thời cơ tốt nhất, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước như là đòn bẩy thúc đẩy, khích lệ các hộ nghèo vươn lên xây nhà để an cư lạc nghiệp lâu dài.

Cách nhà anh Thủy không xa là nhà của anh Nguyễn Văn Đạt. Anh Đạt thuộc hộ cận nghèo nhiều năm chỉ ở trong ngôi nhà tạm sơ sài, mái tranh vách nứa làm từ lâu. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, anh Đạt vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng và số tiền ít ỏi anh tiết kiệm được là 30 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ 60 triệu đồng của Nhà nước, anh Đạt đã quyết tâm xây nhà. Sau gần 2 tháng thi công, ngôi nhà nhỏ khang trang, vững chãi đã hoàn thành trong niềm khi khôn xiết của anh và bà con xóm làng. Ngôi nhà rộng 70m², có phòng ngủ, phòng khách, khu vệ sinh, công trình phụ, nền lát gạch hoa, tường được chát, quét sơn, đóng trần sạch đẹp. Có nhà mới, nơi ở ổn định sẽ là động lực rất lớn khích lệ anh vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.

DUY TUẤN – ĐỨC HANH

Kỳ 4: Sâu nặng tình quân dân